4 chiến lược giao dịch hàng hóa hiệu quả được nhiều traders sử dụng
Team Anfin
-07/10/2024
Xây dựng chiến lược giao dịch phù hợp khi tham gia thị trường hàng hóa phái sinh để đạt được hiệu quả cao nhất, giúp nhà đầu tư giảm thiểu tổn thất và đạt lợi nhuận dài hạn.
Chiến lược giao dịch là gì?
Chiến lược giao dịch là một kế hoạch chi tiết mà nhà đầu tư sử dụng để giao dịch trên thị trường đầu tư tài chính, bao gôm các nguyên tắc quản lý rủi ro, điểm ra vào lệnh sao cho hiệu quả nhất.
Mục tiêu của những chiến lược giao dịch này là giúp nhà đầu tư xác định rõ các phương pháp giao dịch, giảm thiểu rủi ro bằng cách phân tích thị trường và các yếu tố khác, đảm bảo mọi quyết định giao dịch đều dựa trên sự phân tích thay vì cảm xúc nhất thời.
Để có một chiến lược giao dịch hiệu quả, nhà đầu tư cần phải kết hợp giữa các yếu tố như quản lý rủi ro chặt chẽ, phân tích sâu thị trường kết hợp bám sát thông tin thực tế để điều chỉnh giao dịch khi thị trường biến động.
Nhà đầu tư nên xây dựng chiến lược giao dịch phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình, phù hợp với mục tiêu tài chính và dựa theo kinh nghiệm cá nhân trên thị trường. Đặc biệt, hãy kiên định với kế hoạch mình đã đặt ra, chỉ linh hoạt khi cần thiết.
Ví dụ, bạn là người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và thường xuyên nắm tin tức thị trường thì giao dịch lúa mì, gạo chính là thế mạnh của bạn. Hãy xây dựng chiến lược giao dịch cho loại hàng hóa mà bạn nắm rõ thông tin.
Xem thêm: Hướng dẫn cách giao dịch hàng hóa phái sinh cho người mới bắt đầu
Cách xây dựng chiến lược giao dịch hàng hóa
1. Xác định mục tiêu đầu tư và cân nhắc rủi ro
Để xây dựng một chiến lược giao dịch hiệu quả và phù hợp, hãy xác định mục tiêu khi đầu tư của bạn. Nếu bạn là một người yêu thích lướt sóng, chắc chắn chiến lược giao dịch sẽ khác hoàn toàn với những người thích nắm giữ dài hạn và ngược lại.
Ngoài ra, bạn cũng cần phải xác định được mức độ chấp nhận rủi ro của bản thân. Mức độ chấp nhận rủi ro sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc bạn tiếp cận các giao dịch như thế nào, mức cắt lỗ ra sao, đòn bẩy cao hay thấp… và cả loại hàng hóa mà mình giao dịch.
Một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược giao dịch là kế hoạch quản lý vốn. Việc phân bổ nguồn vốn hợp lý cho từng giao dịch, thiết lập mức cắt lỗ và chốt lời rõ ràng sẽ đảm bảo rằng bạn không bị mất toàn bộ vốn chỉ sau vài giao dịch không thành công.
Kế hoạch quản lý vốn giúp bạn kiểm soát tâm lý giao dịch, giảm thiểu rủi ro và duy trì sự ổn định trong suốt quá trình đầu tư.
2. Sử dụng các phương pháp phân tích
- Phân tích cơ bản
Đây là phương pháp phân tích thường được nhiều nhà đầu tư sử dụng, bao gồm cả nhà đầu tư mới và cũ.
Phương pháp phân tích cơ bản dựa trên các yếu tố kinh tế vĩ mô, các yếu tố cung - cầu hay các tin tức và sự kiện liên quan trên thị trường ảnh hưởng đến giá hàng hóa để đánh giá giá trị và xu hướng giá hàng hóa trong tương lai.
Một số yếu tố chính trong phân tích cơ bản:
- Tính cung cầu của hàng hóa
- Thời tiết và điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến sản xuất
- Chính sách chính phủ và các quy định liên quan
- Tình hình kinh tế vĩ mô
- Tình hình địa chính trị
- Dữ liệu và các báo cáo
- Tâm lý thị trường tại thời điểm hiện tại
Phân tích cơ bản thường được các nhà đầu tư hàng hóa theo hướng dài hạn sử dụng bởi tính bền vững và khả năng dự đoán giá trị thực của hàng hóa trên thị trường.
- Phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật là phương pháp phân tích dựa trên việc nghiên cứu biểu đồ giá trong quá khứ, các chỉ số, chỉ báo kỹ thuật và khối lượng giao dịch để xác định xu hướng và các điểm vào ra phù hợp.
Những nhà đầu tư sử dụng phương pháp phân tích kỹ thuật tin rằng tất cả thông tin cần thiết đã được phản ánh trong giá cả và khối lượng, do đó, việc phân tích các mẫu hình giá và chỉ báo kỹ thuật sẽ giúp dự đoán biến động giá trong tương lai.
Một số yếu tố chính trong phân tích kỹ thuật:
- Các chỉ báo kỹ thuật như đường trung bình động (MA), chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) hay Bollinger Bands.
- Các mẫu hình giá như vai - đầu - vai, mẫu hình giá tam giác, mẫu hình giá 2 đáy 3 đáy…
- Khối lượng giao dịch và sự biến động của giá
- Các mức hỗ trợ và kháng cự
Phân tích kỹ thuật thường được các nhà đầu tư hàng hóa theo hướng ngắn hạn sử dụng bởi tính linh hoạt và khả năng cung cấp các tín hiệu giao dịch kịp thời, giúp họ nhanh chóng điều chỉnh chiến lược giao dịch trong bối cảnh thị trường biến động.
Hiện tại, các nhà đầu tư thường kết hợp cả 2 phương pháp phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản để tối ưu các giao dịch hơn. Sự kết hợp này giúp họ có cái nhìn toàn diện hơn về thị trường, từ đó đưa ra những quyết định chính xác hơn.
3. Tìm hiểu thị trường và cách thức hoạt động
Trên thị trường hàng hóa phái sinh, mỗi loại hàng hóa đều có những đặc điểm và những yếu tố ảnh hưởng đến giá riêng.
Do đó, hãy nắm rõ cách mà giá hàng hóa hoạt động, các yếu tố có thể khiến mức giá của loại hàng hóa biến động một cách bất thường để xây dựng được chiến lược giao dịch phù hợp.
Ví dụ, giá cà phê trên thị trường thế giới thường bị ảnh hưởng lớn bởi nguồn cung tại Brazil. Trong tháng 9 vừa qua, Brazil đã trải qua một thời gian hạn hán khiến cho nguồn cung giảm đáng kể. Các nhà đầu tư đã tận dụng điều này để mua vào các hợp đồng tương lai cà phê, từ đó kiếm được lợi nhuận đáng kể bởi giá cà phê tăng.
4. Tập trung vào quản lý rủi ro
Khi tham gia đầu tư tài chính, rủi ro là yếu tố không thể tránh khỏi. Do đó, quản lý rủi ro hay quản lý vốn là việc mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng cần phải ưu tiên để giảm thiểu tổn thất khi thị trường biến động.
Hãy sử dụng các công cụ hỗ trợ đầu tư như lệnh dừng lỗ, lệnh giới hạn để đảm không lỗ quá sâu. Ngoài ra, hãy lựa chọn cho mình 2-5 loại hàng hóa để đầu tư, không dồn vốn vào 1 loại hàng hóa. Sử dụng các mức hỗ trợ, mức kháng cự, điểm phá vỡ để vào lệnh, thoát lệnh một cách khoa học.
Các chiến lược giao dịch hàng hóa phổ biến
Trong thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh, có rất nhiều chiến lược giao dịch khác nhau phù hợp với từng mục tiêu, khẩu vị và kỹ năng của từng nhà đầu tư.
Sau đây là một vài chiến lược phổ biến:
1. Chiến lược giao dịch theo xu hướng (Trend Following)
Chiến lược giao dịch theo xu hướng (Trend Following) là chiến lược khá phổ biến khi giao dịch hàng hóa phái sinh, nhà đầu tư tin rằng xu hướng hiện tại sẽ tiếp tục kéo dài, cho dù là xu hướng tăng hay giảm.
Nhà giao dịch thường sử dụng các chỉ báo kỹ thuật, biểu đồ giá, và phân tích cơ bản để xác định xu hướng hiện tại. Các công cụ phổ biến thường được sử dụng là đường xu hướng (Trendline), đường trung bình động (Moving Average) hay chỉ số sức mạnh tương đối (RSI), và các mẫu hình giá khác.
Chiến lược giao dịch theo xu hướng có thể được áp dụng cho các khoảng thời gian khác nhau, từ ngắn hạn đến dài hạn.
Ưu điểm:
- Đơn giản, dễ áp dụng cho các nhà đầu tư mới
- Áp dụng rộng rãi cho nhiều loại hàng hóa
- Có thể áp dụng cho các giao dịch ngắn hạn và dài hạn
Nhược điểm:
- Khó xác định điểm vào lệnh một cách chính xác
- Khó xác định xu hướng khi thị trường đi ngang.
2. Chiến lược giao dịch đảo ngược xu hướng (Reserval Strategy)
Chiến lược giao dịch đảo ngược xu hướng dựa trên việc tận dụng sự thay đổi hướng đi của giá khi xu hướng hiện tại sắp kết thúc. Nhà đầu tư tập trung vào các mức hỗ trợ và kháng cự, nơi giá có khả năng đảo chiều.
Chiến lược giao dịch này thường nhà đầu tư lướt sóng sử dụng khi giá hàng hóa có xu hướng đảo chiều thông qua các mức kháng cự và hỗ trợ.
Nhà đầu tư sử dụng chỉ báo kỹ thuật như RSI với các mức kháng cự và hỗ trợ để xác định trạng thái quá mua hoặc quá bán, xác định thời điểm vào lệnh.
- Khi chỉ số RSI trên 70, cho thấy thị trường đã bão hòa và giá có thể điều chỉnh giảm.
- Khi chỉ số RSI dưới 30, cho thấy hàng hóa đang được định giá thấp và có khả năng phục hồi
Ưu điểm:
- Nếu xác định chính xác điểm đảo chiều, lợi nhuận sẽ đạt rất lớn
- Thích hợp với thị trường đang biến động mạnh, cơ hội đảo chiều sẽ nhiều hơn.
Nhược điểm:
- Nếu dự đoán sai điểm đảo chiều, rủi ro tổn thất sẽ là rất lớn.
- Cần đòi hỏi kỹ năng phân tích thị trường tốt.
Xem thêm: 12 mô hình nến đảo chiều phổ biến thường gặp khi giao dịch
3. Chiến lược giao dịch theo vùng giá (Range trading)
Trong giao dịch thực tế, giá có thể di chuyển trong một phạm vi nhất định chứ không hình thành xu hướng rõ ràng. Chiến lược giao dịch theo vùng giá dựa trên việc xác định mức hỗ trợ và kháng cự, từ đó nhà đầu tư có thể xác định điểm ra vào lệnh.
Các chỉ báo như dải Bollinger, RSI, và khối lượng giao dịch được sử dụng để xác định các mức hỗ trợ và kháng cự. Đây là một chiến lược phổ biến trong các thị trường có xu hướng đi ngang hoặc không có biến động mạnh
Ưu điểm:
- Chiến lược dễ hiểu và dễ áp dụng cho nhà đầu tư mới
- Rủi ro thấp vì giá được giới hạn trong một phạm vi nhất định.
- Phù hợp với thị trường đi ngang, không ổn định
Nhược điểm:
- Không phù hợp với xu hướng mạnh
- Cần phải xác định được vùng giá chính xác
- Giới hạn lợi nhuận vì chỉ kiếm lợi nhuận từ dao động trong khoảng giá nhất định.
- Cần phải quản lý rủi ro tốt khi giá phá vỡ các mức kháng cự / hỗ trợ
4. Chiến lược giao dịch phá vỡ (Breakout trading)
Chiến lược giao dịch này sẽ dựa trên sự biến động mạnh của giá khi giá đã đâm thủng các mức hỗ trợ / kháng cự, từ đó xác định điểm giá sẽ tăng hoặc giảm mạnh để vào lệnh.
Chiến lược này hoạt động tốt trong các thị trường có sự biến động lớn, nơi giá có khả năng di chuyển mạnh theo một hướng. Mặc dù chiến lược này có thể mang lại lợi nhuận lớn từ các biến động mạnh, nhưng nhà đầu tư cũng cần cảnh giác với tín hiệu giả, có thể dẫn đến thiệt hại nếu không được kiểm soát.
Để áp dụng thành công chiến lược này, nhà giao dịch cần có kiến thức vững vàng về phân tích kỹ thuật, kỹ năng quản lý rủi ro tốt và khả năng theo dõi thị trường một cách liên tục.
Ưu điểm:
- Tiềm năng lợi nhuận lớn
- Phù hợp với thị trường biến động mạnh
- Dễ dàng xác định điểm ra vào lệnh.
Nhược điểm:
- Rủi ro false breakout, không phải mọi sự phá vỡ đều hình thành xu hướng mới.
- Phụ thuộc vào sự xác nhận từ khối lượng giao dịch
- Cần hành động nhanh chóng, cơ hội giao dịch thường ngắn nên đòi hỏi nhà đầu tư phải thật quyết đoán.
Lưu ý khi áp dụng chiến lược giao dịch hàng hóa
1. Kiên nhẫn, không FOMO (Fear Of Missing Out)
Nhà đầu tư thường có tâm lý FOMO khi tham gia đầu tư hàng hóa dẫn đến việc đưa ra các quyết định giao dịch vội vàng mà không có sự phân tích nào, dẫn đến tổn thất nặng nề.
Do đó, hãy rèn luyện tính kiên nhẫn khi đang tham gia đầu tư tài chính. Việc lập kế hoạch giao dịch, xác định phương pháp giao dịch và tuân thủ nó là cách để tránh vào FOMO. Hãy tin tưởng vào bản thân, không nên đi theo đám đông.
2. Tuân theo chiến lược đã đề ra
Đôi lúc, thực tế không giống với những gì kế hoạch đã đề ra trước đó khiến nhà đầu tư không còn tin tưởng vào những gì mình đã chuẩn bị và bắt đầu thay đổi cách giao dịch liên tục.
Điều này có thể đúng, có thể sai. Tuy nhiên, mỗi kế hoạch là bản đúc kết các kinh nghiệm giao dịch trước đó của bản thân. Do đó, hãy tin tưởng vào nó. Có thể trong một khoảng thời gian nó không hiệu quả, tuy nhiên không phải hoàn toàn thất bại.
Một nhà đầu tư hay là một nhà đầu tư tuân thủ theo những gì mình đã chuẩn bị, nhưng cũng sẽ có lúc chúng ta cần phải linh hoạt thay đổi theo tính thị trường.
Xem thêm: Kinh nghiệm giao dịch hàng hóa phái sinh cho nhà đầu tư mới
3. Quản lý rủi ro
Ngoài việc xây dựng chiến lược giao dịch, nhà đầu tư cần phải học tập cách quản lý rủi ro và quản lý nguồn vốn khi đầu tư. Hãy luôn dùng lệnh cắt lỗ, phân bổ vốn vào nhiều danh mục đầu tư để tránh tổn thất lớn khi thị trường biến động mạnh.
Lời kết
Để thành công trong thị trường hàng hóa phái sinh, xây dựng một kế hoạch giao dịch rõ ràng và kiên trì thực hiện là điều không thể thiếu. Hãy kiên nhẫn, học hỏi và không ngừng cải thiện bản thân. Chúc bạn đạt được nhiều thành công trong hành trình đầu tư của mình.