Tại sao giá cà phê Robusta tăng mạnh trong thời gian gần đây?
Anh Tuấn - Senior Analyst
-31/05/2024
Tại sao giá cà phê Robusta tăng mạnh trong thời gian gần đây?
Giá cà phê nội địa sáng nay 31/05/2024 tiếp tục tăng thêm 800đ lên 123,700 đ/kg theo giacaphe.com. Giá cà phê Robusta giao tháng 7/24 trên sàn ICE EU (London) đang ở 4270 USD/tấn. Giá thu mua đang được cộng tiến sau nhiều năm trừ lùi. Giá Robusta London đã phá đỉnh lịch sử năm 1994 sau đó có một đợt điều chỉnh mạnh khi thời tiết khô hạn ở Tây Nguyên được cải thiện, giá đã tiếp tục tăng và tiếp cận đỉnh mới ở 4530 USD/tấn. Một số lý do khiến cà phê Việt Nam tăng cao trong thời gian gần đây:
1. Thiếu hàng giao ngay từ vụ cũ:
Các doanh nghiệp xuất khẩu thiếu hàng giao ngay từ T7/2023 do đó chuyển tháng giao hàng sang các tháng tiếp theo. Tuy nhiên năm nay giá Tiêu, Sầu Riêng, Cà phê đều được giá, nông dân không phải chịu áp lực về kẹt vốn, do đó không vội bán Cà phê ngay mà tích trữ chờ giá tăng.
Theo báo cáo Reuters, tồn kho cà phê của Việt Nam chỉ còn 25% so với tổng sản lượng xuất khẩu năm 2023. Theo một doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong nước, chỉ còn khoảng 20%, nông dân nắm giữ 10% và doanh nghiệp FDI 10%.
2. Khủng bố tại Biển Đỏ:
Khu vực Biển Đỏ là cửa ngõ thương mại Á Âu, phần lớn cà phê Việt Nam xuất khẩu đi qua Kênh đào Suez. Do đó, các tàu hàng lo ngại (đã có vụ tấn công của Houthi vào tàu Philipines) và chuyển hướng vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi. Khiến giá cước và thời gian vận chuyển tăng cao. Dẫn đến xảy ra hiện tượng khan hàng tại các cảng Châu Âu, và tồn kho đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm:
Hụt hàng do thời gian giao hàng tăng lên
Thay đổi cách tính hàng tồn kho: cần có chứng nhận chất lượng mới được tính, trước đây không cần.
3. Thời tiết đã được cải thiện với những trận mưa đầu mùa ở Tây Nguyên, tuy nhiên thời tiết vẫn không thuận lợi ở Indonesia và Brazil.
4. Liên minh Châu Âu đang đưa ra các điều khoản hạn chế nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến phá rừng. Khiến sản lượng cà phê nhập khẩu từ Brazil sắp tới có thể bị hạn chế do liên quan nhiều tới phá rừng trồng cà phê.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu trong nước như Simexco, Tuấn Lộc đã có được chứng nhận 4C - Chứng nhận Cà phê không liên quan tới các hoạt động Phá rừng trên toàn cầu. Simexco chia sẻ rằng họ đã gặp rất nhiều khó khăn khi làm việc với nông dân và thương lái cà phê trong việc chứng minh nguồn gốc và cà phê không phá rừng.