Bản Tin Nông Sản 08/05/2024
Nguyễn Sơn
-08/05/2024
Thị trường ngô chứng kiến phiên giao dịch 7/5/2024 đầy biến động với giá kỳ hạn tháng 7 ghi nhận diễn biến trái chiều. Sau khi chạm mức cao nhất trong 4 tháng tại 472 cent/giạ, giá ngô đã quay đầu giảm nhẹ và kết thúc phiên ở mức 465,2 cent/giạ, giảm 0,9% so với phiên trước.
Yếu tố áp lực giá Ngô:
Ước tính thương mại: Dự báo tồn kho ngô 2024/25 của Mỹ cao hơn so với dự đoán trước đó.
Đồng đô la Mỹ mạnh lên: Đồng USD tăng giá khiến ngô Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường xuất khẩu.
Thị trường đậu tương giảm nhẹ sau 3 phiên tăng mạnh trước đó. Cụ thể đậu tương giảm 0,18% xuống mức 1264’4 cent/giạ. Nguyên nhân chủ yếu do chốt lời của các nhà đầu tư khi giá đậu tương tăng cao.
Yếu tố áp lực giá:
Ước tính sản lượng đậu tương tại Nam Mỹ được điều chỉnh giảm trong báo cáo cung cầu tháng 5. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn cao hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường, dẫn đến lo ngại về nguồn cung dư thừa.
Thêm vào đó, báo cáo cung cầu tháng 5 cũng dự kiến tồn kho đậu tương Mỹ 2024/25 sẽ cao hơn so với tháng trước và niên vụ trước. Khả năng nguồn cung dồi dào này càng củng cố xu hướng giảm giá cho đậu tương.
Ngoài ra, thời tiết tại Argentina được dự báo có mưa thuận lợi, hỗ trợ cho sự phát triển của cây trồng muộn và góp phần gia tăng nguồn cung đậu tương.
Thị trường lúa mì kỳ hạn tháng 7 quay đầu suy yếu sau 3 phiên tăng liên tiếp. Cụ thể giá lúa mì CBOT kỳ hạn tháng 7 giảm 0,92% xuống mức 642’6 Cent/ giạ.
Yếu tố áp lực giá Lúa mì:
Thông tin tích cực về vụ đông lúa mì Mỹ: Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy chất lượng cây lúa mì vụ đông tại Mỹ được cải thiện đáng kể sau đợt mưa thuận lợi tuần trước. Điều này làm giảm lo ngại về sản lượng lúa mì trong tương lai, góp phần hạ nhiệt giá lúa mì.